Trang chủ > Tin Tức

Thị trường phân bón cần phải được chuyển đổi

2022-12-27
Đây là thông điệp rõ ràng tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới tại Mỹ trong bối cảnh giá phân bón vẫn nằm ngoài tầm với của hầu hết nông dân.

Hai người phụ nữ thu hoạch rau tại một ngôi làng nông nghiệp ở Tây Phi. Ảnh: Shutterstock

Điều này khiến chu kỳ sản xuất lương thực và sự ổn định của các vùng nông thôn đang gặp vô số rủi ro. Ước tính của Ngân hàng Thế giới, trên khắp 45 quốc gia, 205 triệu người đang trong tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, do họ có quá ít khả năng tiếp cận với thực phẩm.

Theo đó, một trở ngại chính đối với sản xuất lương thực ở nhiều nước đang phát triển chính là khả năng tiếp cận phân bón, làm giàu đất với các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng khỏe mạnh. Do vậy bài toán đang đặt ra là làm sao có đủ nguyên liệu để sản xuất phân bón là điều cần thiết đối với nông dân trên khắp thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển.

Thách thức đặc biệt rõ ràng ở châu Phi cận Sahara. Giá phân bón đã tăng gấp ba lần kể từ đầu năm 2020 và vẫn không ổn định, khiến nhiều nông hộ nhỏ không thể tiếp cận nguồn cung phân bón. Trong khi đó, xuất khẩu phân bón từ Belarus và Nga - những nhà cung cấp phân bón quan trọng đã bị gián đoạn bởi chiến tranh, cộng với một số nước xuất khẩu khác đã hạn chế nguồn cung thông qua thuế xuất khẩu, lệnh cấm và các rào cản khác.

Các nhà lãnh đạo châu Phi tại hội nghị này đã cảnh báo rằng, nhiều nông hộ tại các nước đang phát triển sẽ không thể tồn tại và kém cạnh tranh hơn, nếu các xu hướng này tiếp tục kéo dài. Điều này sẽ khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ suy giảm, đặc biệt là các hộ nông dân nghèo dẫn đến khủng hoảng lương thực và việc làm kéo dài và sâu sắc hơn. 

Theo đó, việc nhanh chóng tổ chức lại chuỗi cung ứng năng lượng và phân bón theo cách ưu tiên cho nông dân nghèo sẽ là một trong những yếu tố quyết định thời gian và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực và sự di cư của dân số nông thôn vốn đã chịu áp lực của biến đổi khí hậu.

Hiện nông dân châu Phi cận Sahara có tỷ lệ sử dụng phân bón trung bình là 22 kg/ha, so với mức trung bình của thế giới cao gấp 7 lần (146 kg/ha). Đặc biệt một số quốc gia như Trung Quốc và Chile, đạt gần 400 kg/ha.

Tính trung bình trên toàn cầu, chưa đến một nửa lượng phân bón nitơ được sử dụng trên đồng ruộng là góp phần vào sự phát triển của cây trồng, trong khi phần còn lại gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo các chuyên gia, châu Phi cần phải được giúp đỡ trong quá trình tái tổ chức bằng cách cải thiện các rào cản thương mại và hậu cần nội bộ. Lục địa này hiện sản xuất khoảng 30 triệu tấn phân bón mỗi năm, gấp đôi lượng tiêu thụ. Điều này phản ánh sự thiếu hiệu quả trong chi phí vận chuyển, phân phối, và các xung đột thương mại khác. Mỗi yếu tố đang cần một nỗ lực phối hợp của các quốc gia để khắc phục hệ thống.

Để ứng phó, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội xây dựng thị trường phân bón và nông nghiệp bền vững và linh hoạt hơn cho tương lai. Tỷ lệ ứng dụng phân bón hiệu quả hơn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra cần đầu tư cho sản xuất phân bón xanh và sử dụng hiệu quả. Công nghệ sản xuất amoniac cần thiết để sản xuất phân đạm bằng năng lượng tái tạo hiện chưa được áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, các công nghệ giảm phát thải oxit nitơ trong quá trình sử dụng phân bón cũng cần được áp dụng rộng rãi hơn song song với các phương pháp nông nghiệp kỹ thuật số và chính xác, và khuyến khích áp dụng nông nghiệp thông minh với khí hậu để nâng cao hiệu quả của việc bón và hấp thụ phân bón.

Nếu các quốc gia sử dụng quá nhiều phân bón đều giảm lượng tiêu thụ xuống mức thích hợp, thì khả năng tiếp cận phân bón có thể tăng lên ở các quốc gia tiêu thụ dưới mức trung bình của thế giới. Tóm lại, điều cấp bách là làm sao để nông dân dễ dàng tiếp cận với phân bón hơn và giá cả phải chăng để tránh kéo dài cuộc khủng hoảng lương thực.

Nguồn: nongnghiep.vn

CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU HÀ ANH
Địa chỉ: Tổ 3, Thị trấn Đông Anh, Huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội
Email: haanhcompany1981@gmail.com
Điện thoại: 0243 883 2586/ 0243 883 2356
Fax: 0243 883 2728
Website: http://haanhgroup.vn
Copyright © 2019 Agriplus.vn