Trang chủ > Tin Tức

Tình hình cung ứng phân bón trên thế giới và xu hướng tăng trưởng công suất trong thời gian 2023-2027

2023-10-03
Một năm rưỡi đã trôi qua từ khi cuộc chiến tranh Nga-Ucraina bắt đầu. Trong thời gian đó, thế giới đã đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phân bón, giá phân bón đã tăng đến những mức cao kỷ lục trong quý II/2022. Tầm quan trọng của phân bón và vai trò của nó đối với việc cung cấp lương thực thực phẩm cho thế giới đã trở nên ngày càng rõ rệt.

Nhưng bất chấp những thách thức liên quan đến các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây, giá nguyên liệu cao cũng như các biện pháp hạn chế xuất khẩu, nguồn cung phân bón đã được cải thiện vào cuối năm 2022, tình hình đã trở nên tốt hơn so với kịch bản bi quan mà Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) giả thiết vào tháng 5/2022.

Trên thực tế, nhiều yếu tố hỗ trợ đã giúp cho tình hình cung ứng phân bón được cải thiện:

Chính phủ các quốc gia liên quan đã tuyên bố dòng xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ Nga sẽ  không bị ảnh hưởng vì các biện pháp trừng phạt

Các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các công ty trong ngành sản xuất phân bón đã tham gia vào chuỗi cung ứng, hỗ trợ hoạt động thương mại phân bón trên thế giới.

Các đối tác thương mại mới đã xuất hiện, đặc biệt là ở những nền kinh tế ít chịu tác động của đồng USD.

Giá nguyên liệu giảm do thị trường năng lượng tự điều chỉnh để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.

Nhờ đó, giá phân bón đã giảm từ những mức cao kỷ lục trong quý II/2022, giúp cải thiện khả năng tiếp cận đối với người nông dân. Mặc dù vậy, tác động của tình trạng giá cao trước đó đã khiến cho nhiều người nông dân trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch mua phân bón.

Hơn nữa, thế giới đã bước vào môi trường lãi suất cao trong nỗ lực chống lạm phát, tạo thêm gánh nặng tài chính cho những người mua phân bón. Một số nền kinh tế mới nổi đã chứng kiến tình trạng mất giá của đồng nội tệ, khiến cho sự giảm giá phân bón trên thị trường quốc tế không được thể hiện trên các thị trường nội địa. Những người nông dân nhỏ vẫn tiếp tục phải chịu tác động của giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

Về ngắn hạn, những bất ổn trong chuỗi cung ứng phân bón vẫn tiếp tục kéo dài dưới tác động của những yếu tố như tình hình triển khai Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, khả năng xuất khẩu phân kali của Belarut và xu hướng giá năng lượng trong quý II/2023. Giá cả vẫn tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu khi người nông dân quyết định mua phân bón, tuy nhiên các yếu tố nền tảng khác dự kiến sẽ lấy lại vai trò động lực chính những năm tới, được củng cố nhờ những yêu cầu về an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Tình hình cung ứng  

Tuy nguồn cung phân bón đã được cải thiện vào cuối năm 2022 nhưng nhiều trở ngại vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, sản lượng phân kali toàn cầu đã thấp hơn đáng kể, sản lượng phân đạm ở một số khu vực cũng thấp hơn dự kiến.

Theo ước tính của IFA, năm 2022 sản lượng amoniăc toàn cầu đã giảm 1%, đạt 182,2 triệu tấn, trong khi đó sản lượng axit phốtphoric đạt 84,8 triệu tấn, tăng 2% sau một năm 2021 đầy khó khăn với sản lượng thấp. Sản lượng KCl toàn cầu ước tính đạt 62,1 triệu tấn, giảm 15% so với năm 2021. Tuy nhiên, hai năm 2020 và 2021 là những năm nguồn cung KCl tăng mạnh. Nếu so với năm 2019, sản lượng năm 2022 chỉ giảm 6%.

Trái với những lo ngại ban đầu, xuất khẩu phân bón từ Nga vẫn tiếp tục diễn ra trong cả năm 2022, một phần do những bên mua đã yên tâm sau khi có tuyên bố của các chính phủ, một phần do sự chuyển hướng của dòng thương mại phân bón đến Braxin và Ấn Độ - những quốc gia ít lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ví dụ, xuất khẩu urê và phốtphat từ Nga đến Ấn Độ đã tăng đáng kể trong năm 2022, Ấn Độ đã tận dụng lợi thế của nguồn cung giá rẻ từ Nga. Nhưng xuất khẩu phân kali từ Nga đã giảm trong năm 2022, không phải do các cản trở về hậu cần mà chủ yếu là do nhu cầu toàn cầu giảm.

Tuy Nga đã xuất khẩu những lượng lớn phân bón dạng hàng rời từ các cảng trên Biển Baltic của mình, việc vận chuyển amoniăc bằng đường ống dẫn qua Ucraina đã không thể được tái khởi động. Vì vậy, một phần amoniăc đã được vận chuyển qua biển Baltic sau khi công suất các cảng được nâng cao.

Sự chuyển hướng quan trọng của dòng thương mại phân bón cũng đã diễn ra đối với nguồn cung phân kali từ Belarut. Dòng xuất khẩu phân kali của Belarut đã xoay sang phía Đông để tận dụng mạng lưới đường sắt qua Nga đến Trung Quốc. Quý I/2023, những lượng kỷ lục phân kali đã được gửi từ Belarut đến Trung Quốc.

Tại châu âu, giá khí thiên nhiên đã giảm từ những cao mức kỷ lục của quý III/2022 sau khi khu vực này nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ trong quý I/2023. Mặc dù vậy, một số nhà máy phân đạm tại đây vẫn tiếp tục vận hành dưới công suất thiết kế, vì giá phân đạm thấp khiến cho sản xuất trở nên không có hiệu quả kinh tế. Một số nhà sản xuất phân bón tại châu âu đã tiến thêm một bước và đóng cửa vĩnh viễn các dây chuyền sản xuất trước triển vọng tiêu thụ dài hạn bất lợi, trong đó ví dụ đáng

chú ý nhất là Công ty BASF ở Đức.

Nhìn chung, nhiều bất ổn đang phủ bóng lên triển vọng giá khí thiên nhiên mùa đông 2023 tại châu Âu, ảnh hưởng đến tính khả thi kinh tế của các nhà máy sản xuất phân đạm trong khu vực.

Dự báo tăng trưởng công suất

Động lực chính đối với sự tăng trưởng công suất phân đạm chủ yếu nằm ở những khu vực sản xuất với chi phí thấp, cụ thể là Nga (với những dự án sử dụng nguyên liệu khí thiên nhiên đang được xây dựng) và Mỹ (với những ưu đãi thuế giúp cải thiện mạnh hiệu quả kinh tế trong đầu tư sản xuất amoniăc xanh).

Trong những dự báo của mình, IFA đưa vào những dự án amoniăc xanh với tổng công suất 3,5 triệu tấn cũng như những dự án amoniăc xanh trong tương lai với công suất lớn hơn nhiều đang được xem xét.

Tăng trưởng công suất các hợp chất phốtphat được dự báo sẽ tập trung chủ yếu ở những khu vực hiện đang có những trung tâm sản xuất lớn, cụ thể là khu vực châu Phi và Tây Á.  

Dự báo tăng trưởng công suất phân kali bao gồm những dự án dài hạn đang được triển khai, chủ yếu ở Canađa và Lào, cũng như sự gia tăng công suất mỏ dự kiến ở Nga trong 5 năm tới.

Nhìn chung, sự tăng trưởng công suất phân bón trên thế giới phụ thuộc vào tốc độ hồi phục ở Nga và Belarut cũng như hiệu quả kinh tế trong sản xuất phân bón ở những nơi khác.

Theo dự báo của IFA, công suất phân đạm toàn cầu sẽ tăng trưởng 9%, từ 156,9 triệu tấn năm 2022 lên 170,7 triệu tấn năm 2027. Những động lực chính của sự tăng trưởng này sẽ là Nga với công suất được dự kiến sẽ hồi phục nhờ sự chuyển hướng của tuyến thương mại đến Biển Baltic cũng như những nhà máy mới đang được xây dựng. Mức tăng trưởng công suất mới này sẽ bù lại cho sự suy giảm công suất ở châu âu, nơi các nhà máy đang phải đóng cửa do hiệu quả kinh tế thấp.

Công suất các hợp chất phốtphat được dự báo sẽ tăng trưởng 12%, từ 51,3 triệu tấn P2O5 năm 2022 lên 57,7 triệu tấn P2O5 năm 2027. Động lực chủ yếu là sự tăng trưởng công suất của các nhà sản xuất hiện tại ở châu Phi và Tây Á cũng như sự hồi phục công suất của Trung Quốc sau một số năm trải qua những khó khăn về vận hành.

Công suất phân kali được dự báo sẽ tăng trưởng 17%, từ 46,7 triệu tấn K2O năm 2022 lên 54,6 triệu tấn K2O năm 2027. Nhưng dự báo này phụ thuộc vào khả năng của Belarut trong việc gia tăng các tuyến vận chuyển thay thế ra thị trường quốc tế, với giả thiết là những rào cản đối với tuyến đường xuất khẩu qua Litva sẽ vẫn duy trì trong trung hạn.

Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 2(8/2023)
 

CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU HÀ ANH
Địa chỉ: Tổ 3, Thị trấn Đông Anh, Huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội
Email: haanhcompany1981@gmail.com
Điện thoại: 0243 883 2586/ 0243 883 2356
Fax: 0243 883 2728
Website: http://haanhgroup.vn
Copyright © 2019 Agriplus.vn